Phát huy tinh hoa thương hiệu nước mắm Phú Quốc

Nghề làm nước mắm có từ trên 200 năm nay và đã gắn liền với đời sống văn hóa của người dân thành phố đảo Phú Quốc.

Ngày 27/5 vừa qua, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1730/QĐ-BVHTTDL công nhận nghề làm nước mắm ở Phú Quốc, phường Dương Đông, phường An Thới, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Có thể nói, trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, đây vẫn là niềm vui to lớn, là động lực để người dân làm nghề nước mắm ở Phú Quốc tiếp tục gìn giữ, phát huy những tinh hoa của nghề truyền thống cha ông để lại.

Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc Hồ Kim Liên cho biết, vùng biển Phú Quốc có rất nhiều loại rong biển, phù du là nguồn thức ăn chính cho loài cá cơm, nguyên liệu chính để làm nước mắm. Do vậy, cá cơm phát triển dồi dào trên vùng biển này. Cách đây hơn 200 năm, nghề làm nước mắm đã có ở Phú Quốc, người dân đánh bắt cá cơm còn tươi sống và ướp muối ngay trên tàu, trước khi mang về ủ trong thùng.

Ủ cá cơm trong thùng gỗ là một đặc trưng của nghề làm nước mắm Phú Quốc. Bời lời là loại gỗ để làm thùng nước mắm vốn có nhiều trong rừng Phú Quốc. Thùng càng để lâu thì gỗ càng bền chắc, chất lượng nước mắm càng thơm ngon. Thùng có hình trụ tròn rộng phần miệng, đóng từ 55 tấm ván có kích cỡ đều nhau: dài 2,2 m, rộng 20 cm, dày 6 cm; đường kính miệng thùng khoảng 3,2 m, đáy khoảng 2,6 m. Thùng được quấn đai bằng loại mây xanh ở trên rừng.

Bà Hồ Kim Liên cho biết, sản xuất nước mắm dựa trên phương pháp thủ công truyền thống với công thức 3 cá cơm + 1 muối,  thời gian ủ từ 10 – 15 tháng mới cho ra thành phẩm nước mắm. Từ những nước đầu tiên đến nước cuối cùng sẽ phân thành các loại nước mắm khác nhau, có độ đạm khác nhau; dựa vào tỉ lệ đạm ít hay nhiều từ 20 – 43 độ đạm mà nước mắm có giá thành là khác nhau. Nước mắm Phú Quốc có màu nâu cánh gián với hương vị đặc trưng là thơm nhẹ, vị mặn đầu lưỡi, hậu ngọt.

Theo Hội Nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phú Quốc bắt đầu phát triển mạnh và hưng thịnh từ năm 1945 đến nay. Từ năm 1998, được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội, Bộ Thủy sản cùng với tỉnh Kiên Giang tiến hành lập hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý, đến ngày 1/6/2001 nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên được đăng bạ ở Việt Nam. Tháng 7/2013 Liên minh châu Âu (EU) đã trao chứng nhận tên gọi xuất xứ “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm Việt Nam tại Brussels (Vương quốc Bỉ). Tháng 8/2013, Bộ Công Thương trao lại chứng nhận này cho đại diện UBND huyện đảo Phú Quốc và Hội Nước mắm Phú Quốc, từ đó sản phẩm nước mắm Phú Quốc được bảo hộ và phát triển đến nay.

Hiện thành phố Phú Quốc có khoảng 100 nhà thùng làm nước mắm, tập trung ở phường Dương Đông và An Thới. Nguồn nguyên liệu cá cơm hiện đang hạn chế, từ nay đến 2025, Phú Quốc phấn đấu bình quân sản xuất 12 triệu lít nước mắm/năm.

Hội Nước mắm Phú Quốc được thành lập tháng 10/2000, hiện tại có 53 hội viên. Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc Hồ Kim Liên cho biết, ngoài thuận lợi đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, làng nghề nước mắm Phú Quốc luôn được UBND tỉnh Kiên Giang, UBND thành phố Phú Quốc quan tâm giữ vững, phát triển. Nhiều năm qua, người tiêu dùng khắp nơi biết đến nhiều về thương hiệu nước mắm Phú Quốc, giúp bán được nhiều hơn sản phẩm truyền thống làng nghề. Đây còn là một sản phẩm du lịch độc đáo trên thành phố đảo Phú Quốc, thu hút du khách đến tham quan, vừa tìm hiểu văn hóa làng nghề nói riêng và vừa khám phá đời sống văn hóa của người dân trên đảo Ngọc.

Theo bà Hồ Kim Liên, khó khăn của nghề nước mắm Phú Quốc hiện tại là một bộ phận người tiêu dùng vẫn chưa xác định được nước mắm truyền thống Phú Quốc chính hiệu, nên giá thành còn chưa ổn định. Hiện vẫn chưa có quy hoạch làng nghề nước mắm Phú Quốc nên chưa tập trung làng nghề thành một địa điểm tham quan cho du khách.

Để đáp ứng cho quá trình phát triển của làng nghề, Hội Nước mắm Phú Quốc mong rằng cần sớm có quy hoạch làng nghề tập trung để ổn định sản xuất kinh doanh, tạo môi trường phát triển thuận lợi cho làng nghề; đồng thời có địa điểm tập trung, phục vụ giới thiệu quảng bá nghề nước mắm truyền thống cho du khách.

Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc Hồ Kim Liên cho biết, thời gian tới, nước mắm Phú Quốc chú trọng phát triển chất lượng hơn là số lượng, để tiếp tục khẳng định chất lượng của thương hiệu. Sau khi được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghề làm nước mắm Phú Quốc tiếp tục hướng tới việc được UNESCO công nhận trở thành di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Điều này giúp tăng giá trị thương hiệu cho nước mắm Phú Quốc, góp phần nâng tầm di sản văn hóa bản địa, giúp quảng bá hình ảnh thành phố đảo Phú Quốc xinh đẹp đến với bạn bè quốc tế.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *